Nghe hoang phế ngậm ngùi ở cổ thành Sri Ksetra

Ngày đăng: 01-12-2015 10:49

Di tích trên đất nước tươi đẹp cổ kính, ít nhiều huyền bí Myanmar lần đầu tiên được UNESCO vinh danh vào tháng 7.2014 là các thành cổ của vương triều cổ đại Pyu-Halin, Beikthano và Sri Ksetra.
Cố đô hùng vĩ nhờ tay quỷ thần
 
 
Nằm cách phố thị Pyay 8km, Sri Ksetra là kinh đô cuối của triều Pyu (Prome) từng oai tráng từ năm 200 trCN đến thế kỷ 9 CN. Xây dựng vào thế kỷ 5, Sri Ksetra là thành cổ lớn nhất của triều này. Vẫn tồn tại sau khi người Nam Chiếu xâm chiếm, Sri Ksetra chỉ rơi hoang phế từ giữa thế kỷ 11, khi vua Anawrahta Minsaw của triều đại Pagan (Bagan) tấn công, tàn phá. Cao tăng Huyền Trang, Nghĩa Tịnh nước Tàu có nhắc đến Sri Ksetra trong các lưu ký trên đường thỉnh kinh.
Bây giờ nằm giữa xa lộ Yangon – Bagan, xa xưa là điểm trung chuyển quan trọng trên cung đường thương mại Hoa – Ấn, dòng lưu chuyển văn hoá, tôn giáo lưu lại nhiều giao thoa, công trình tôn giáo quý giá. Nhưng dù có chữ viết riêng, ngôn ngữ riêng tồn tại đến giờ cùng với kỹ thuật chế tác sành sứ, đá ngọc, những dấu tích về Hindu giáo, Phật giáo… không chỉ người nước ngoài mà rất ít người Miến biết về Pyu cũng như các thành xưa của nó.
 
 
Chiếc xe bò làm du lịch chở khách như vừa mới bị đưa từ nương đồng về.
 
Sri Ksetra hay Thayaykhittaya (Fabulous City – Thành phố Tuyệt vời) xây dựng năm 443. Truyền thuyết cho rằng vị vua Duttabaung đã nhờ sự giúp đỡ của quỷ thần để xây nên thành phố to lớn đẹp đẽ trong thời gian ngắn. Rộng gần 47km2, Sri Ksetra là thành phố có tường thành bao quanh lớn nhất Đông Nam Á bấy giờ, với 277 công trình bao gồm cung điện hoàng gia, chùa chiền đền đài. Dâu bể thời gian, giờ tuy chỉ có 66 di tích được định danh, nhưng cũng không khó hình dung một thời hùng tuấn.
Trong chín ngôi chùa vua Duttabaung xây dựng, nổi bật là Bawbawgyi dáng dấp hình trụ, rồi Phayama hình chuông lạ lẫm so với kiến trúc vuông vắn của Phaya Htaung, Be Be – hình mẫu của hàng ngàn ngôi chùa Bagan. Sri Ksetra sừng sững giữa miền đồng bằng triền sông Irrawaddy thênh thang.
 
 
Một đoạn thành xưa Sri Ksetra còn sót, cho thấy độ to lớn vững chắc ngày trước.
 
Vàng son một thời
 
Tôi đi xe lam, rồi xe ôm mới đến được làng Hmawza nằm quanh thành cổ. Rồi còn phải chờ dân làng đi kiếm người gác bảo tàng, kiêm bán vé tham quan. Chuyến phiêu lưu đơn độc ở Sri Ksetra sáng đó bắt đầu khi cậu trai đánh chiếc xe bò cọc cạch đến chở khách thay vì ra đồng chở rơm, chở cỏ. Xoa xoa đôi tay đen nhẻm nhựa cây, lúng búng nhưng luôn cố gắng trả lời với vốn tiếng Anh hạn chế cộng ngôn ngữ hình thể, cậu trai quê miệng đỏ chét trầu nhiệt tình đưa khách về miền xưa cũ, quê hương bây giờ của cậu.
Tượng thần Hindu, Phật giáo, đồ trang sức vàng ngọc, tiền đồng thật tinh xảo lưu giữ ở bảo tàng vô cùng vắng vẻ. Độ dày rộng của chân tường thành hay vài góc cao còn sót cho thấy sự hoành tráng. Rồi phù điêu kể chuyện chàng Tất Đạt Đa ở chùa Leimyethna cho thấy nét tinh xảo. Rồi là ngôi chùa hình trụ chỉ bằng gạch với loại vữa đặc biệt sừng sững cao đến 47m Bawbawgyi… xây dựng từ thế kỷ 5.
 
 
Ngôi chùa hơn 15 thế kỷ tuổi tác Bawbawgyi, hình trụ lạ lẫm, vẫn sừng sững với thời gian.
 
Hầu hết đều không nguyên vẹn. Không sạt lở góc này cũng đè lấp, vùi chôn góc kia hoặc rào lại cấm vô vì nguy cơ sắp sụp… Nằm giữa trảng cỏ khô cháy bời bời, xen lẫn với đồng nẻ ngày hạ… những tháp đền rệu rã hoang phế. Không biết sau khi là di sản lịch sử thế giới, có thêm công trình nào được trùng tu sửa sang không, ngày đó tôi thấy quá ngậm ngùi giữa những gì còn lại của một vương triều từng được gọi Burmese Golden Period (tạm dịch Thời đại Hoàng kim Miến Điện).
Giờ đã là di sản thế giới, chắc sẽ có thêm nhiều du khách tìm đến Sri Ksetra. Mong sao sẽ có nhiều những chiếc xe bò lúc lỉu du khách lang thang để miền xưa thêm sống động bớt phế hoang. Để thêm nhiều nụ cười toả nắng của mấy cậu trai quê thêm việc ngoài đồng áng. Và để càng nhiều du khách đón nhận nét đẹp xứ Miến, không chỉ những kiến trúc ngàn năm tuổi mà cả chân tình ấm áp của người quê đón khách ghé làng mình. Mong làm sao!
 
 
Một pho tượng hơn 15 thế kỷ vẫn còn khá tinh xảo.
 
 
Làng quê Hmawza còn nguyên chất quê và sự nghèo nàn.
 
 
Những lát hành tím mỏng, những chiếc bánh phồng hồng bóp vụn… làm thêm duyên cho dĩa mỳ xào Payay.
 
Pyay nằm cách Yangon 285km (6 – 7 giờ xe đò), cách Bagan 404km (9 – 10 giờ xe), nhưng trải nghiệm bằng xe lửa cả từ Yangon hoặc Bagan đến đây hoặc bằng tàu thuỷ lang thang trên dòng Irrawaddy là một thú vị khác. Từ 2014, hàng ngày đã có tour từ Pyay đến Sri Ksetra nhưng thuê xe gắn máy tự đi hoặc đi xe lam, xe ôm cùng người địa phương lại hay hay. Ngoài Sri Ksetra, trong nội ô Pyay và các khu vực ngoại vi còn có nhiều di tích thú vị khác như chùa cổ, tượng phật bằng tre dát vàng, tượng phật đeo mắt kính, hàng trăm hang phật trên bờ sông… Ít khách du lịch nên ngày trước chỉ có vài khách sạn cho người nước ngoài lưu trú, từ 200.000 đồng/phòng. Thưởng thức phẩm vật địa phương, cả các món Hoa, Thái, Malaysia ở các nhà hàng nổi hay bên triền sông gần phố là trải nghiệm nên có khi đến Pyay.
 
Thái Hoãn
(Nguồn: Thế Giới Tiếp Thị)