Hành trình di sản xuyên Đông Dương

Ngày đăng: 24-11-2015 10:27

Lời nói đầu: “Hành trình di sản Đông Dương xuyên qua 4 nước”, thoạt nghe tên thôi đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ với những ai yêu thích du lịch và khám phá. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi (5 ngày 4 đêm), vượt hơn 2.000 cây số, băng qua biên giới 4 nước, con người và mảnh đất Đông Dương dần hiện ra theo mỗi bước chân lữ khách: xa lạ mà thân thiện. Xin mời quý độc giả khám phá một Đông Dương huyền bí qua loạt bài riêng của Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. 
KỲ 2: KHÁM PHÁ DI SẢN
 
Sau hành trình vượt 450km trong ngày đầu tiên, sang ngày thứ hai và thứ tư của chương trình, tiếp tục quãng đường dài cả ngàn cây số, chúng tôi háo hức tiếp cận với mục tiêu chính của chuyến đi: khám phá di sản.
 
Bất ngờ với Peah Vihear yên bình
 
 
Các bảng cấm bên ngoài ngôi đền.
 
Trước chuyến đi, cái tên Preah Vihear khiến khá nhiều người trong chúng tôi tò mò xen lẫn chút lo lắng. Cảm xúc ấy bắt nguồn từ chuyện ngôi đền nằm ở bên giới Campuchia – Thái Lan và thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa hai nước. Do từng xảy ra tranh chấp và các mâu thuẫn trong quá khứ nên phía Campuchia sau khi được thừa nhận sở hữu ngôi đền đã cấm tất cả người Thái đến viếng đền. Mặc dù mỗi khách lên viếng đền, đều phải mua vé với giá 10 USD nhưng vẫn phải trải qua khâu kiểm tra hộ chiếu kỹ càng như qua cửa khẩu. Nếu là người có quốc tịch Thái Lan dù có tiền cũng phải ra về.
 
 
Cổng chào của ngôi đền bị đổ nát do đạn pháo trong quá trình tranh chấp.
 
Điều đáng lo hơn nữa là để đến được đền Preah Vihear, du khách phải vượt qua quãng đường núi dài 6 km với các con dốc gần như dựng thẳng đứng. Xe chuyên dụng lên núi chỉ chở được 6 khách/chuyến. Đường lên núi khá rộng và bằng phẳng, xung quanh núi non xanh rì khiến chúng tôi quên hết những lo lắng ban đầu. Thế nhưng, khi xe chạy được gần 2/3 quãng đường thì những khúc cua nhỏ xíu và dựng đứng, phía dưới kia là chân núi sâu hun hút hiện ra khiến chúng tôi phải thót tim, gồng mình, bám chặt vào thành xe. Trong khi đó, cô bé hướng dẫn người Campuchia khoảng độ 18 tuổi thì lại tỏ vẻ rất thoải mái. Nhìn vẻ mặt bình yên của cô bé khiến nỗi sợ của chúng tôi vơi đi một nửa.
Trái hẳn với lo sợ ban đầu, dọc đường lên đền có rải rác lính Campuchia. Họ đều rất cởi mở và vui vẻ. Phía cổng đền đã bị ngã đổ do Thái Lan bắn đạn pháo qua trong thời điểm hai nước tranh chấp. Từ bên này nhìn sang bên kia biên giới Thái Lan, có hai tháp canh để cho người Thái lên đó nhìn ống nhòm sang đền. Có người kể rằng, Campuchia là nước tiêu thụ, chỉ nhập hàng từ nước khác về. Và mặt hàng được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất tại Campuchia chính là hàng Thái Lan. Thế nhưng, do sự tranh chấp ngôi đền mà người Campuchia đã cùng nhau tẩy chay hàng Thái. Với những hành động như thế của người dân ở cả hai nước, có thể thấy rằng, ngôi đền thực sự là một biểu tượng linh thiêng được sùng kính với người dân của cả hai nước.
 
 
Lính Campuchia canh đền rất thân thiện.
 
Năm 2008, đền Preah Vihear được công nhận di sản văn hóa thế giới, được quốc tế bảo vệ nên đã được bình yên. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, ngôi đền Preah Vihear ngày nay tuy đã bị đổ ngã vài chỗ nhưng vẫn còn lưu giữ nét uy nghiêm, cổ kính và tĩnh lặng vốn có. Một anh trong đoàn sau khi tham quan đền, khi bước ra, thốt một câu vỏn vẹn: “Chỉ biết là quá đẹp”.
Đối với những du khách bình thường, ít có chuyên môn về kiến trúc như chúng tôi khi đến thăm ngôi đền có cảm giác thanh tĩnh và bình yên đến lạ lùng. Sự tôn nghiêm toát ra từ  ngôi đền khiến mọi người tự giác giữ gìn ý thức mà không cần bất cứ bảng cấm hay chỉ dẫn gì. Thỉnh thoảng, một số du khách bắt gặp được hình ảnh một vị sư đang ngồi thiền giữa không gian tĩnh lặng của ngôi đền. Hình ảnh đó khiến ai cũng chỉ muốn đứng yên lặng nhìn như muốn ghi nhớ thật lâu cái khảnh khắc tâm linh huyền diệu đó.
 
 
Bên trong ngôi đền một số nơi cũng bị đổ nát.
 
 
Khoảnh khắc bình yên của ngôi đền với hình ảnh chú tiểu.
 
 
Một Wat Phou kỳ bí
 
Sang ngày thứ tư của hành trình di sản, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm di sản thứ hai: đền Wat Phou tại tỉnh Champasak (Lào).
 
 
Đền Wat Phou.
 
 
Wat Phou (Vat Phu) được gọi theo nghĩa tiếng Việt là chùa núi, được coi là đền thờ xưa nhất ở Lào. Đường lên đền không mạo hiểm như Pearh Vihear. Lối dẫn vào đền khá đẹp với hai dãy trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva. Mặt đường được lót những tảng đá phẳng. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng với nhau, trên một gò cao. Cả hai ngôi đền này đang được trùng tu. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá.
 
 
 Lối dẫn vào đền khá đẹp với hai dãy trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva.
 
 
Đường vào đền Wat Phou tuy không hiểm trở nhưng lối leo lên đền khá trơn trợt, dễ té ngã. Nên dù độ cao mặc dù không cao lắm nhưng khi leo lên tới đền không ít du khách phải thở hổn hển vì mệt. Dọc theo con đường dẫn lên đền là hai mặt hồ phẳng lì như gương, gió thổi mát rượi, được gọi là hồ trên núi. Người dân quanh vùng cho biết, mặc dù trên núi nhưng nước trong hai hồ này luôn trong xanh và đầy ắp quanh năm. Hai hồ này cũng gây ra ảo giác thị giác khó giải thích. Bởi khi xe chạy dọc theo bờ hồ thì hồ có dạng hình chữ nhật. Tuy nhiên, từ trên đền Wat Phou nhìn xuống thì lại thấy hai mặt hồ dạng hình vuông bằng nhau.
 
 
 Từ trên đền Wat Phou nhìn xuống thì lại thấy hai mặt hồ dạng hình vuông bằng nhau.
 
Wat Phou đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2001. Ngoài ra, còn có phát hiện, Wat Phou cùng Angkor Wat (Campuchia) và thánh địa Mỹ Sơn (Việt Nam) nằm trêm một tam giác cân, và Mỹ Sơn là đỉnh đầu của tam giác này.
Biết bao thắc mắc về chuyện làm sao tiền nhân có thể khuân vác các tảng đá lớn như vậy, làm sao có thể khiến chúng đứng vững chãi theo thời gian mà không hề có chất kết dính nào,… ? Ngay cả các nhà khoa học đến nay vẫn chưa tìm ra được lời giải thích hợp lý nào.
 
Minh Cúc 
 
Đón xem kỳ 3: Đặc sắc ẩm thực Đông Dương.
 
Kỳ 1: Những câu chuyện dọc đường.