Du lịch đường thủy Sài Gòn – Cần lắm một chiếc đũa thần tiếp sức

Ngày đăng: 14-09-2018 11:13

Cách đây vài tháng, tôi có cuộc hẹn với một người bạn từ Nhật đến Sài Gòn du lịch. Cố gắng mời bạn trải nghiệm một chuyến ngao du sông nước để đổi gió đón hoàng hôn trên dòng kênh Nhiêu Lộc. Tuy nhiên, cảm xúc của tôi luôn bị những cung bậc vui buồn bất chợt khi nhận ra sản phẩm du lịch sông nước của thành phố Hồ Chí Minh xem ra vẫn ì ạch, buồn hiu, chưa có tương lai sáng sủa.

Thuê một chiếc thuyền nhỏ, cùng bạn trải nghiệm hai tuyến đường thủy cơ bản của Thành phố là kênh Tàu Hủ và kênh Nhiêu Lộc. Trong không gian vẳng lại những tiếng động ầm ì  của xe cộ vun vút lao nhanh trên đại lộ Đông Tây. Ngắm cảnh kênh rạch Sài Gòn, nụ cười của người bạn Nhật chợt trầm tư khi cậu quay sang hỏi tôi. Sao cư dân hai bên bờ cứ vô tư đổ rác xuống kênh vậy bạn?

Thật khó trả lời cho một câu hỏi của một người bạn đến từ đất nước mặt trời mọc. Lặng im tôi chỉ còn biết cười cười , xin lỗi và nói nhỏ: Vâng , dường như người dân quê tôi chưa nghĩ rằng, việc gom rác đúng nơi đúng chỗ là cần thiết. Vì vậy, khi thấy nước kênh lên xuống theo thủy triều là họ cứ xả rác vô tư.

Khi lênh đênh ngắm cảnh kênh Nhiêu Lộc với đường nét uốn lượn quanh co. Hình ảnh những tay sát cá điềm nhiên thả hàng chục cần câu để săn tìm các loài thủy sản cũng làm cậu bạn bất ngờ.

du lich duong thuy sai gon 1

Đáng buồn hơn, trong chiều hôm ấy, hình ảnh một sát thủ cá  tỉnh bơ  “xả nước cứu thân” trước mặt du khách đã làm tôi mặn đắng bờ môi. Không dám nhìn vào mắt bạn để nói lời xin lỗi lần 2, bởi đã đưa cậu du ngoạn một hành trình không vui vẻ như lòng cả hai đều mong đợi.

Sau chuyến đi ấy, lòng tôi luôn băn khoăn một chuyện

Hình như, với các du khách nội địa, sản phẩm du lịch sông Sài Gòn chỉ gói gọn trong bộ nhớ của họ là đến cảng Nhà Rồng: mua vé lên tàu, ăn buffet và hóng gió khoảng vài tiếng rồi về. Nói chung, các tàu hầu như không có bến để cho khách lên bờ hóng gió.

Đã vậy, làm một cuộc khảo nghiệm nho nhỏ, tôi thấy hai bên bờ sông, cũng không có các di tích nào hấp dẫn để khách có thể lên bờ tham quan, mua sắm.

Đã vậy, các hướng dẫn viên còn rất lười khi thuyết trình cho khách hiểu về lịch sử của Sài Gòn sông nước năm xưa, thậm chí khi hỏi về lịch sử ra đời của kênh Tàu Hủ, hoặc vì sao kênh Nhiêu Lộc  - Miếu Nổi lại mang tên như thế, các hướng dẫn viên đều cười cười, trả lời. Em sẽ tìm hiểu thêm và trả lời chị sau ạ.

Thực ra, sản phẩm du lịch đường thủy được xem là một chiến lược mới của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không hiểu vì thiếu duyên,  hay đầu tư và quy hoạch chưa đúng tầm, chưa chạm ngõ vào cảm xúc du khách nên dù cố gắng đẩy mạnh sản phẩm này nhiều năm qua, nhưng tất cả vẫn dậm chân tại chỗ.

du lich duong thuy sai gon 2

Nói như thế không phải là các ban ngành quản lý về du lịch bỏ lơ hay thiếu quan tâm, khiến sản phẩm du lịch đường thủy cứ phập phù như cơn nước ròng nước lớn.

Được biết, trong suốt 2 năm qua, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm kiêm mổ xẻ về các khâu yếu kém của sản phẩm du lịch đường thủy Sài Gòn đã được đưa ra bàn luận rất thẳng thắn.

Qua các buổi hội thảo, dường như có sự chênh nhau về tầm suy nghĩ nên giữa doanh nghiệp và nhà quản lý du lịch vẫn chưa thể hợp tác đồng bộ, chung tay tạo ra một sản phẩm du lịch mới mẻ, mang tính thân thiện xanh, ổn định và bền vững với môi trường.

Đã vậy, để tạo ra một sản phẩm đường thủy độc đáo, hấp dẫn thì yếu tố an toàn được quy  hoạch rất nghiêm ngặt.

Do vậy, nếu đầu tư vào sản phẩm du lịch đường sông, các nhà đầu tư luôn ngán ngại vì chi phí bỏ ra khá cao, thu hồi vốn chậm nên rất khó có nhiều đơn vị mặn mà hợp tác.

Với góc nhìn của người viết,

du lich duong thuy sai gon 3

Nếu để xây dựng một sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn đặc trưng thì việc đầu tiên chúng ta phải vận động người dân thôi xả rác vô tư xuống các dòng kênh, việc làm này đã khiến tình trạng ô nhiễm sông nước với các mùi hương “nồng nàn’ không thể quên đã gây hoảng vía cho các du khách quốc tế.

Chưa hết, việc trồng hoa tạo cảnh quan và dẹp bỏ các panô, ap phích trên sông cũng nên được chú ý bởi công chúng Sài Gòn rất cần được ngắm một Sài Gòn xinh đẹp khi chiều về.

Nếu đứng trên 1 con tàu lênh đênh hoặc khi thong thả dạo chơi trên kênh rạch, khách luôn mong chờ được nhìn ngắm những vạt dừa nước đong đưa, xanh um mái tóc xanh vẫy chào khi những cánh cò trắng rợp bay la là trong chiều tàn buông nắng.

Còn khi lang thang trên kênh rạch, hình ảnh những ngôi nhà sàn “chân dài” đặc trưng, ta cần vận động, tư vấn dân chúng bài trí các mảng xanh như việc trồng các chậu hoa đơn giản như mười giờ, hoa trái nổ tím tím hoặc bụi sao nhái vàng rực đong đưa. Giúp các ngôi nhà trở nên dịu dàng, mang nét duyên quê mà vẫn đậm hồn Việt.

Riêng ở điểm tham quan mua sắm,

du lich duong thuy sai gon 4

Có nên chăng khi ta tái hiện một khung cảnh chợ nổi Ba Miền- khu vực này có thể nằm cận kề khuôn viên khu rừng già trong Thành phố mang tên “ Thảo Cầm viên”. ‘ Thật thú vị biết bao nếu khu chợ này họp mặt, du khách có thể đi xuồng chèo từ Thị Nghè bơi ngang rạch để dạo chơi, mua sắm và ăn uống.

Tại tuyến đi độ, khu chợ này cũng nằm trong đoạn giữa đường Nguyễn Hữu Cảnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Du khách có thể tham quan thảo cầm viên thì xuống mé sông dạo chơi chợ nổi và ngao du mua quà lưu niệm hoặc ăn uống ngắm phố thật thỏa thích.

Đặc biệt, chúng  ta nên tái hiện phong cách mua bán theo kiểu văn hóa văn minh miệt vườn  với các cụm từ mời chào rất mộc mạc dễ thương như: “Dạ bẩm thầy hai mua gì”, “ Thưa cô ba dùng chi?” nghe sao mà ngọt ngào, quyến rũ.

Có lẽ,  với cảnh sông nước nên thơ, nụ cười ,lời chào chân tình cùng lời tư vấn nhiệt tâm. Tất cả sẽ kéo du khách trở về một hồi ức lãng đãng, bàng bạc về một Sài Gòn sông nước tuổi thơ .

Và như thế, sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố Hồ Chí Minh xem ra mới có cơ may phát triển.

Dương Thủy

Tags: du lịch đường thủy, kênh Nhiêu Lộc, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch đường thủy Sài Gòn, du lịch đường thủy của thành phố Hồ Chí Minh